Chế biến gỗ và lâm sản sẽ là ngành kinh tế chủ lực

8 tháng 8, 2018

 

     Nhằm đánh giá thực trạng và phân tích những cơ hội, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, để Chính phủ xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, ngày 8/8/2018 tại Dinh Thống Nhất - Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị "Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững Ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu".

     Hội nghị được kỳ vọng sẽ khơi thông những vấn đề còn tồn tại, đồng thời đưa ra định hướng phát triển cụ thể trong thời gian tới. Tham gia và cùng chủ trì Hội nghị với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

     Hội nghị có sự tham dự của các Hiệp hội và cộng đồng 400 doanh nghiệp đại diện cho 4.500 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Các đại biểu là Lãnh đạo các Bộ/ngành, Lãnh đạo UBND các tỉnh/ thành phố có ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển, một số đại sứ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị xã hội.

     Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp tham gia Hội nghị có: NGND.GS.TS, Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng; NGND.GS.TS, Phạm Văn Chương - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS, Cao Quốc An - Trưởng Phòng Đào tạo; Ths, Nguyễn Vũ Lâm - Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp.

     Phát biểu tại hội nghị định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận vai trò của ngành chế biến lâm sản trong việc đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá trị xuất siêu đạt 73%, nằm trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam.

     Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận những vấn đề khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản đang đối diện. Đó là, nguồn nguyên liệu phát triển chưa bền vững, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu có chất lượng cho ngành; Sự hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp với người trồng còn yếu; Đầu tư cho ngành chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Việt Nam; Chưa tạo dựng được thương hiệu cho các sản phẩm gỗ Việt Nam.

     Hội nghị là dịp để Chính phủ đánh giá thực trạng và phân tích những cơ hội, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, là cơ sở để Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, Chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, tận dụng cơ hội thị trường hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ đô la Mỹ vào năm 2018 và phát triển bền vững vào những năm tiếp theo.

     Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo về những thành tựu của ngành gỗ trong 10 năm qua. Năm 2008, cả nước có khoảng 2.500 doanh nghiệp, thì đến nay đã có khoảng 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Trong vòng 10 năm qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tăng hơn 2,7 lần, từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017, đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ.

     Bên cạnh đó là những tồn tại, thách thức như: Chất lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp; Chi phí của nền kinh tế còn cao đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Nguồn nhân công lao động dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, năng suất lao động thấp, hiện đang thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao cho nhu cầu sản xuất; Yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc nhiều nước ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ đảm bảo 100% hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; Chưa có chính sách tổng thể, đồng bộ để tạo sức bật cho toàn ngành, do đó ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn mang tính tự phát …

     Từ tiềm lực hiện có và nhu cầu thị trường, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu cụ thể cho việc phát triển chế biế gỗ và lâm sản trong những năm tới như sau: Phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tiến tới thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu; nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện lên khoảng 10% vào năm 2025.

      "Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch XK đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, đứng thứ 2 Châu Á và thứ 5 trên Thế giới " - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

     Phát biểu tại Hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá, chất lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp do rừng khai thác sớm ở tuổi non, gỗ có đường kính nhỏ. Mặc dù khối lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lớn nhưng số lượng dùng để chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất còn hạn chế, đã làm giảm giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và kém cạnh tranh cho sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Thời gian tới Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng từ 20-30% nhu cầu nguyên liệu. Trong khi đó các quốc gia cung cấp nguyên liệu lớn cho Việt Nam trong khu vực thời gian qua đã và đang có các chính sách quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Năng lực sản xuất toàn ngành tuy có gia tăng liên tục nhưng so với tiêu dùng đồ nội thất toàn cầu năm 2017 là 428 tỷ USD, tổng sản xuất của Việt Nam chỉ ở mức 2,06%. Và so sánh tổng thương mại đồ gỗ năm 2017 của 100 quốc gia xuất khẩu là 141 tỷ USD, Việt Nam chiếm khoảng 6%. Từ 2 con số so sánh này cho thấy xuất phát điểm của chúng ta còn rất thấp trong khi cơ hội thị trường phía trước còn rất nhiều. Nếu có chính sách đột phá, ngành gỗ sẽ bứt phá ngoạn mục. Phải tái cấu trúc ngành công nghiệp gỗ cả đầu vào lẫn đầu ra, tăng năng suất lao động ngành gỗ. Đặc biệt cần hạn chế tối đa XK dăm gỗ. Bởi XK dăm gỗ tốn rất nhiều gỗ nguyên liệu nhưng giá trị Xk lại thấp (năm 2017 chế biến dăm gỗ đã dùng tới gần 11 triệu m3 gỗ quy tròn, chiếm 30% lượng gỗ nguyên liệu dành cho XK nhưng giá trị XK chỉ đạt hơn 1 tỷ USD).

     Tại Hội nghị này, Trường Đại học Lâm nghiệp đã có những kiến nghị trong Chiến lược phát triển Ngành Chế biến gỗ và Lâm sản, đặc biệt trong phát triển nguồn nhân lực, cơ chế chính sách về thị trường thương mại,.. Ban Tổ chức đánh giá rất cao các ý kiến này và đã đưa vào kết luận Hội nghị.

     Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận vai trò của ngành chế biến lâm sản trong việc đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế xã hội nói chung và là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp nói riêng, nằm trong số ít ngành hàng mang lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam.     

     Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Để đạt được điều này, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, cần tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng nguyên liệu, phát triển rừng gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ chọn, tạo giống, trồng, chăm sóc rừng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng. Ngoài khai thác và sử dụng có hiệu quả 2,8 triệu hécta rừng trồng sản xuất hiện có, ổn định diện tích khai thác rừng khoảng 200.000-250.000ha/năm, Việt Nam phấn đấu là một trong các trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới từ nguồn gỗ hợp pháp, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Năm 2018 phải phấn đấu đạt kim ngạch XK gỗ và lâm sản tối thiểu 9 tỷ USD 2019 đạt 10-11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12-23 tỷ USD; 2025 đạt 18-20 tỷ USD.

     Thủ tướng chỉ đạo cần có chính sách ưu tiên trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai các bước đột phá trong phát triển. Sau Hội nghị, Thủ tướng sẽ có các văn bản, các chỉ thị mới trong phát triển Ngành chế biến gỗ và lâm sản.  Phải nói rằng Hội nghị này là bước đột phá, là bước tạo đà quan trọng nhanh, bền vững cho Ngành Chế biến lâm sản nói chung và Trường Đại học Lâm nghiệp nói riêng.

Một số hình ảnh tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Phát biểu định hướng Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường – báo cáo trước Hội nghị

 Đoàn Trường ĐHLN tham gia Hội nghị

Các ý kiến phát biểu

Thủ tướng Chính phủ kết luận Hội nghị

Nguồn VNUF

 


Chia sẻ