“Khát” nhân lực chất lượng cao ngành Lâm nghiệp

20 tháng 3, 2019

 

   Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp" do Trường ĐH Lâm nghiệp tổ chức ngày 19/3 với sự góp mặt của những chuyên gia đầu ngành lâm nghiệp, các bộ ngành, viện, trường, doanh nghiệp đã cùng bàn về thời cơ, thách thức và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu được đánh giá là rất lớn của thị trường. 

Thị trường đòi hỏi lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn… khan thiếu

   Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí, trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất , xuất khẩu của Việt Nam; là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù.

   Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp nhấn mạnh: "Sự thành công hay thất bại, tận dụng tốt thời cơ, vận hội hay vượt qua nguy cơ, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay phụ thuộc một cách quyết định vào phương thức khai thác nguồn lực con người, nhất là việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Không ngoại lệ, để ngành Lâm nghiệp phát triển bền vững, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó giải pháp căn cơ nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".

PGS.TS Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp chủ trì hội thảo.

   GS.TS Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp nhận định: "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng các thành tựu KHCN trong sản xuất lâm nghiệp nhất là công nghệ cao sẽ là chìa khóa để cho Ngành Lâm nghiệp phát triển mạnh, từ đó sẽ làm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiện đại hóa phương thức quản lý, tổ chức sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng và thị trường sản phẩm".

   Song thực tế, nguồn nhân lực chất lượng cao ngành lâm nghiệp được các chuyên gia tại hội thảo đánh giá còn "thiếu và yếu".

   Theo Ngân hàng thế giới (WB), ngành Chế biến gỗ là ngành có tiềm năng phát triển, có năng lực cạnh tranh trên quốc tế, thị trường rộng lớn. Với quy mô khoảng hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy và hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan. Tuy nhiên, số lượng kỹ sư ngành Chế biến lâm sản, Thiết kế nội thất chỉ chiếm 1-2%, 20-30% trong tổng số lao động được đào tạo bài bản, còn lại là lao đông phổ thông (70-80%) chưa qua đào tạo. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất lao động của ngành chế biến gỗ Việt Nam thấp, chỉ bằng 50% năng suất lao động so với Philippines, 40% của Trung Quốc và 20% của Liên minh châu Âu. Hiện nay, các doanh nghiệp phải tự đào tạo nguồn lao động phổ thông. Kỹ sư chế biến lâm sản từ các trường đại học ra cung không đủ cầu, các trường đào tạo nghề không thu hút được học viên ngành chế biến gỗ, các doanh nghiệp thiếu nguồn nhân công lành nghề có khả năng sử dụng những thiết bị tự động, điều khiển số.

   Theo Hiệp Hội gỗ Mỹ nghệ TPHCM, nhu cầu lao động ngành Chế biến gỗ và Lâm sản được dự báo đến năm 2020 cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân kỹ thuật; đến năm 2025 cần khoảng 106.800 người có trình độ đại học, trên đại học và 445.200 công nhân kỹ thuật. Lao động khác trong lĩnh vực trồng rừng, chế biến trung gian và công nghiệp phụ trợ sẽ lớn hơn gấp 3 lần so với hiện tại. Đây là thách thức rất lớn đặt ra cho ngành Chế biến gỗ và Lâm sản về nguồn lao động chất lượng cao.

   Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Viết Trung (Trưởng phòng nhân sự, công ty cổ phần đồ gỗ nội thất Woodland) băn khoăn: "Theo kế hoạch đến năm 2025, công ty chúng tôi cần khoảng 300 kỹ sư chế biến lâm sản có trình độ đại học và 2000 công nhân. Trong khi đó, yêu cầu số lượng kỹ sư cần từ 7-10%/ tổng số lao động, như vậy có thể thấy số lượng kỹ sư chế biến lâm sản cần thiết cho công ty còn thiếu. Công ty rất mong muốn tuyển được nguồn nhân lực có trình độ, thành thạo kỹ năng làm việc".

Các chuyên gia với những tham luận tâm huyết bàn giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dung khoa học công nghệ trong sản xuất lâm nghiệp.

   Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang nêu thực trạng, không ít sinh viên mới tốt nghiệp đại học không biết sử dụng các công cụ, máy móc hỗ trợ công tác như máy định vị GPS, máy tính có các phần mềm quản lý rừng, phần mềm cảnh báo cháy sớm, phần mềm quản lý, giám sát tuyến tuần rừng, cách lập biên bản vi phạm hành chính, cách xử lý tình huống khi bị lâm tặc tấn công, chống đối, cách thức phương pháp tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước tại các thông bản…

Cần sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, phối hợp hiệu quả

PGS.TS Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, ngành Lâm nghiệp đang trên đà phát triển mạnh mẽ nên yêu cầu, đòi hỏi rất nhiều vấn đề mà trước mắt chúng ta cần đáp ứng để ngành phát triển tốt hơn. Ông đánh giá cao hội thảo của ĐH Lâm nghiệp – trường đầu ngành về cung cấp nhân lực lâm nghiệp cho cả nước đã đưa ra vấn đề quan trọng về phát triển nhân lực chất lượng cao để các bên cùng đối thoại, bàn bạc tìm giải pháp.

PGS.TS Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: "Theo logic, ngành lâm nghiệp phát triển kéo theo nhu cầu nhân lực, con người nhiều hơn, chúng ta phải nhận diện đầy đủ thời cơ và thách thức. Ngành đang trên đà tăng trưởng, lãnh đạo quan tâm, hiệu trưởng đại học quan tâm đúng là thuận lợi nhưng chúng ta lại có những khó khăn đặc thù. Trong lúc lâm nghiệp đang cần nhân lực, tái cơ cấu, đi vào thời kỳ công nghệ cao thì "đầu vào" cho đào tạo, nguồn nhân lực lại có xu hướng giảm. Năm qua, đầu vào của các trường nông nghiệp nói chung, không chỉ riêng lâm nghiệp có xu hướng giảm (cả về trình độ cao như tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư) và cả số lượng. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề và chúng ta phải nhận diện đầy đủ khía cạnh để có nhận thức đúng, giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực".

PGS.TS Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

   Góp ý định hướng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong muốn nhà trường thực hiện đề án tự chủ nghiêm túc, đặt biệt đổi mới toàn diện căn cơ từ mục tiêu, chương trình, phương thức thực hiện, quản trị đào tạo.

"   Nhà trường và các doanh nghiệp phải có mối liên kết hợp tác chặt chẽ để đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Doanh nghiệp đặt hàng, nhà trường đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp, lên khung chương trình, đào tạo, thực tập. Đại học đẩy mạnh, thiết kế chương trình "học và hành" để sinh viên được trau dồi, rèn luyện kỹ năng làm nghề. Đồng thời, nhà trường đào tạo đa dạng ngành nghề đáp ứng nhu cầu của ngành lâm nghiệp, tăng cường đẩy mạnh đào tạo quốc tế để tăng cường kiến thức, thông tin, trình độ của nguồn nhân lực tương lai".

   GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp tiếp thu ý kiến và phát biểu: "Muốn thực hiện có hiệu quả việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, việc đầu tiên phải làm là đổi mới mạnh mẽ, toàn diện tư duy giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Bản chất của giáo dục đại học phải mang tính mở, tính đa dạng, tính linh hoạt, có sức sáng tạo đột phá nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho thực tiễn phát triển lâm nghiệp.

   Nhà trường đã xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực lâm nghiệp chất lượng cao đáp ứng về chuyên môn, đạo dức nghề nghiệp và các kỹ năng: kỹ thuật, xã hội và nhận thức; đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới".

PGS.TS Trần Văn Chứ cho rằng, cùng với quan tâm đào tạo, phải có chính sách đãi ngộ với nhân lực lâm nghiệp.

   Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp cũng cho rằng, cần tập trung xây dựng các trường đại học nghiên cứu, viện nghiên cứu trọng điểm của quốc gia về lâm nghiệp, đạt trình độ quốc tế nhằm tạo môi trường tốt cho đội ngũ nhân tài làm việc và cống hiến; thực hiện đại chúng hóa giáo dục đại học, đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao như các nước tiên tiến. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ đổi mới chính sách trong sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo sự đột phá về đãi ngộ, tôn vinh, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho nguồn nhân lực chất lượng cao yên tâm công tác. Chúng ta không chỉ quan tâm đào tạo mà cần phải có chính sách với đội ngũ này.

   Đồng tình quan điểm, TS. Nguyễn Nghĩa Biên (Viện trưởng, Viện Điều tra, quy hoạch rừng) đề xuất: "Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần phải tiến hành song song giữa đào tạo nguồn nhân lực đồng hành với chính sách thu hút, sử dụng nhân lực. Đồng thời, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cũng phải dược tiến hành song song giữa đào tạo dài hơi nguồn nhân lực có chuyên môn sâu đi đôi với việc nhanh chóng cập nhật và ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến".

Nguồn: Lệ Thu-Báo Dân trí

 


Chia sẻ