Đề tài: Nghiên cứu công nghệ và thiết bị xử lý gổ Tống quá sủ để sản xuất cấu kiện xây dựng nhà nông thôn
9 tháng 2, 2017I. Thông tin chung
1. Tên đề tài: Nghiên cứu công nghệ và thiết bị xử lý gỗ Tống quá sủ (Alnus nepalensis D.Don) để sản xuất cấu kiện xây dựng nhà nông thôn.
Đề tài cấp Nhà nước, Mã số: KC 07.15/11-15
2. Chủ nhiệm đề tài, cơ quan chủ trì (tên, địa chỉ, điện thoại):
- GS. TS. Phạm Văn Chương
- Trường Đại học Lâm nghiệp
- Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội.
- Điện thoại: 0433. 840 233, mobile: +84 903248317
3. Mục tiêu chính:
- Xây dựng được quy trình công nghệ và lựa chọn thiết bị xử lý biến tính gỗ để nâng cao cường độ, tính ổn định kích thước và độ bền sinh học của gỗ Tống quá sủ;
- Xây dựng được quy trình công nghệ và lựa chọn thiết bị sản xuất cấu kiện dạng dầm và dạng tấm từ gỗ Tống quá sủ đã được xử lý;
- Ứng dụng cấu kiện gỗ Tống quá sủ để xây dựng nhà gỗ cho đồng bào miền núi.
II. Các kết quả đạt được
1. Kết quả chính
Kết quả 1: Xây dựng được Quy trình công nghệ xử lý nâng cao độ ổn định kích thước, độ bền cơ học, độ bền sinh học, khả năng chậm cháy của gỗ Tống quá sủ.
Nội dung khoa học của kết quả này là: Từ một loài gỗ mọc nhanh, phát triển tốt ở các tỉnh Miền núi phía Bắc, có khả năng sống ở độ cao trên 600m mà các loài gỗ mọc nhanh khác không tồn tại; độ bền cơ học thấp và người dân chỉ sử dụng làm chuồng nuôi gia súc và các công trình tạm.
Chúng tôi đã sử dụng công nghệ xử lý theo phương pháp vật lý - cơ học; một phương pháp xử lý thân thiện với môi trường, vốn đầu tư thấp, công nghệ dễ áp dụng để nâng cao một số chỉ tiêu chất lượng của gỗ. Gỗ sau khi xử lý có độ ổn định kích thước tốt (hạn chế cong vênh, nứt nẻ), độ bền cơ học đạt loại gỗ nhóm III theo TCVN 1072-71 (trước khi xử lý độ bền cơ học tương ứng với loại gỗ nhóm VI).
Gỗ sau khi xử lý đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với nguyên liệu dùng để sản xuất các cấu kiện xây dựng và đồ mộc nội - ngoại thất.
Kết quả 2: Xây dựng được Quy trình công nghệ tạo cấu kiện xây dựng dạng dầm và dạng tấm từ gỗ Tống quá sủ biến tính.
Nội dung khoa học của kết quả này là: Gỗ Tống quá sủ sau khi xử lý biến tính được tiến hành gia công tạo các cấu kiện xây dựng dạng dầm, cột và dạng tấm đáp ứng được yêu cầu về kích thước, độ bền, khả năng liên kết, công năng của nhà gỗ. Các cấu kiện xây dựng được chế tạo theo các mô đun kích thước chuẩn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lắp ráp, vận chuyển và linh động trong sử dụng. Tuỳ theo nhu cầu sử dụng về diện tích, có thể xác định số lượng các mô đun tương thích.
2. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
- Ý nghĩa khoa học: Bổ sung cơ sở khoa học về xử lý biến tính gỗ theo phương pháp vật lý kết hợp với cơ học. Đây là một phương pháp xử lý biến tính gỗ theo công nghệ sạch đang được nghiên cứu, hoàn thiện và áp dụng trên thế giới.
- Ý nghĩa thực tiễn:
Mở ra hướng nghiên cứu mới về nâng cao chất lượng các loại gỗ mọc nhanh rừng trồng đáp ứng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
Tống quá sủ là một loài gỗ mọc nhanh, giá trị sử dụng thấp; thông qua quá trình xử lý biến tính đã trở thành một loại nguyên liệu có giá trị cao đáp ứng cho nhiều mục đích sử dụng.
Từ kết quả nghiên cứu của đề tài có thể áp dụng để xây dựng công nghệ xử lý các loại gỗ có chất lượng thấp thành gỗ có chất lượng cao (đặc biệt đối với các loại gỗ mọc nhanh rừng trồng như gỗ Keo, Bạch đàn…).
3. Hiệu quả kinh tế, xã hội
Sử dụng các loại gỗ mọc nhanh, độ bền cơ học thấp để thay thế các loại gỗ xây dựng truyền thống như: Lim, Nghiến, Trai, Táu...
Gỗ Tống quá sủ sau khi xử lý có độ ổn định kích thước tốt, độ bền cơ học tương đương với gỗ nhóm III theo TCVN 1072-71. Trong khi đó, về giá thành sản phẩm chỉ bằng 65-70% giá của các loại gỗ nhóm III (Giổi, Chò chỉ) tại Việt Nam hiện nay.
Sản phẩm của đề tài hoàn toàn có thể áp dụng để tạo các cấu kiện xây dựng nhà gỗ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhà gỗ nông thôn; đặc biệt là nhu cầu nhà sàn gỗ của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, Việt Nam.
Kết quả đề tài góp phần giải quyết nhu cầu về nguyên liệu gỗ chất lượng cao cho xây dựng và sản xuất đồ mộc; góp phần giảm thiểu nhập khẩu gỗ nguyên liệu, nhập khẩu các cấu kiện gỗ xây dựng (ván sàn, ván tường...).
Đề tài đã mở ra một hướng mới trong sử dụng gỗ, làm thay đổi tư duy và cách tiếp cận trong khai thác, chế biến và sử dụng các loại gỗ mọc nhanh, các loại gỗ chất lượng thấp. Hạn chế người dân địa phương khai thác bất hợp pháp gỗ rừng tự nhiên quý hiếm để làm nguyên liệu xây dựng nhà ở. Đồng thời, kết quả đề tài là cơ sở phát triển, nhân rộng loài cây có khả năng mọc ở độ cao lớn, góp phần bổ sung danh mục các loài cây tiềm năng thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt ở độ cao lớn hơn 600 m (so với mực nước biển).